Để có thể dẫn dụ chim yến thành công là cả một quá trình lâu dài, mà quá trình đó được hình thành từ những quá trình nhỏ mang yếu tố cơ bản nhất, và khi đã nắm vững cơ bản thì sẽ tăng tỷ lệ thành công lên nhà yến của bạn.
Hôm nay Vạn Thành shop xin chia sẻ với mọi người các giai đoạn cần thiết để đi tới nhà yến thành công
Chúng ta sẽ chia quá trình dẫn dụ chim yến làm 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khử mùi nhà yến sau khi thi công xong phần thô.
Việc đầu tiên sau khi hoàn tất phần xây dựng là khử mùi xi măng trong nhà yến. Nếu chim bay vào nhà yến thăm dò mà cảm thấy mùi lạ sẽ khó chịu. Vì vậy việc khử mùi xi măng trong nhà yến “trước khi mở máy” là yếu tố quan trọng đầu tiên góp phần cho nhà yến thành công. Thường thì chỉ cần để vài tháng mùi xi măng sẽ tự mất nhưng nhược điểm là tốn thời gian. Để đẩy nhanh quá trình khử mùi ta có thể thực hiện các bước sau:
- Xịt rửa nền nhà và tường bằng nước sạch để loại bỏ lớp xi măng bám trên bề mặt (nên thực hiện trước khi đóng gỗ và đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động tốt).
- Pha muối hột với nước theo tỷ lệ 15 gram muối hột + 1 lít nước sạch. Cứ 10m2 sàn thì đặt 1 chén nước muối. Như vậy khi nước muối bay hơi từ từ sẽ tạo ra ion âm giúp khử mùi xi măng trong nhà yến.
- Dùng cách dân gian khử mùi bằng quả thơm: Cứ 30m2 thì dùng 1 quả thơm. Trước tiên đem quả thơm phơi nắng cho khô nhẹ, dùng đèn cày đặt bên dưới quả thơm, hơi nóng từ ngọn đèn sẽ đốt cháy quả thơm chầm chậm và lan tỏa mùi hương khắp phòng giúp khử mùi xi măng hiệu quả.
- Dùng than hoạt tính khử mùi nhà yến: Than hoạt tính có tính năng hấp thu mùi và một số chất độc hại trong môi trường nước nên đã được dùng để lọc nước từ xa xưa tới tận ngày nay. Ngoài ra than hoạt tính cũng có thể hấp thu mùi và chất độc hại trong không khí, nên việc sử dụng than hoạt tính là một biện pháp không thể bỏ qua. Ta bỏ than vào từng túi nhỏ hoặc hộp giấy, bố trí đều khắp phòng, sau 2 tháng thì đem bỏ đi, vì lúc này than đã hút no độc tố và không còn tác dụng nữa.
- Ngoài những cách trên ta còn có thể sử dụng men vi sinh để khử mùi xi măng trong nhà yến
Giai đoạn 2: Thu hút chim về nhà yến
- Sau khi nhà yến chắc chắn đã hết mùi xi măng thì việc tiếp theo cần làm là lôi kéo chim yến về tham quan nhà chim. Ta bố trí bên trên nhà yến 1 dàn loa phóng xa (còn gọi là loa nóc), có nhiệm vụ phát âm gọi bầy đàn (còn gọi là âm ngoài, âm nóc), chim yến từ xa nghe âm thanh gọi bầy sẽ bay tới nhà yến của bạn và lượn xung quanh.
- Thời gian mở loa từ 5h sáng – 7 giờ tối, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy mùa chim
- Loa nóc mọi người có thể tham khảo một vài dòng loa tại đây
Giai đoạn 3: Dẫn chim vào bên trong nhà yến tham quan
- Sau giai đoạn gọi chim về, tiếp theo là giai đoạn dẫn dắt chim vào bên trong nhà yến của bạn bằng dàn loa cửa và loa dẫn. Hai dàn loa này vẫn sử dụng âm gọi bầy đàn như âm ngoài nên thường sẽ sử dụng chung 1 amply cho cả loa ngoài, loa cửa và loa dẫn, các loa này thường là loa điện động có công suất cao từ 2 – 4W. Amply có thể sử dụng dòng công suất nhỏ như SW200 hoặc S400 rất thích hợp.
- Thời gian mở loa từ 5h sáng – 7 giờ tối.
- Về bản chất loa cửa và loa dẫn là giống nhau. Loa đặt ngay miệng hang thì gọi là loa cửa, loa đặt ở mỗi tầng lầu gọi là loa dẫn. Mọi người có thể tham khảo các dòng loa thích hợp sau đây HP1000, HP4000, HP5000
- Loa cửa được gắn ngay miệng hang, có tác dụng hút chim từ bên ngoài vào bên trong nhà, cụ thể là phòng lượn.
Lưu ý là loa cửa nên để âm lượng bằng hoặc lớn hơn loa nóc 1 chút. Bởi vì nếu loa nóc phát lớn hơn loa cửa chim sẽ không bay vào nhà yến mà chỉ lượn bên ngoài.
- Để điều chỉnh âm lượng loa cửa lớn hơn loa nóc có 2 cách:
- Amply nhà yến bình thường sẽ có 2 kênh trái và phải (ký hiệu là R là L). Kênh trái kết nối với loa nóc, kênh phải kết nối với loa cửa và dẫn, như vậy ta có thể dễ dàng điều chỉnh âm lượng theo ý muốn
- Gắn nối tiếp loa nóc với 1 tụ điện có chỉ số thích hợp, tụ điện sẽ giảm bớt âm lượng của loa nóc.
Vì một số nhà yến gần khu dân cư gây ồn ào nên sẽ có trường hợp không dùng loa nóc mà chỉ dùng loa cửa. Lúc này loa cửa kiêm luôn việc gọi chim về
- Loa dẫn được bố trí ở mỗi tầng lầu, có tác dụng dẫn đường cho chim bay từ phòng lượn xuống các tầng bên dưới. Ở sâu bên trong mỗi tầng lại bố trí loa dẫn để dắt chim bay vào bên trong mỗi phòng
Giai đoạn 4: Giữ chim ở lại
- Khi chim đã chịu bay vào nhà yến thì việc tiếp theo cần làm là giữ chim ở lại bằng hệ thống loa ru.
- Loa ru thường là loa thạch anh có công suất nhỏ từ 0,2 – 0,4W
- Loa ru có chức năng phát ra các loại âm thanh như âm chim non, âm giao tiếp, âm gọi bạn tình.
- Thường thì nên bố trí 1 – 1,5 loa/ m2
- Để tăng khả năng thành công mọi người nên chọn loại loa ru không mùi, có âm chắc, rõ ràng. Tránh sử dụng loa từ nhựa tái chế có mùi hôi, loa chất lượng kém phát ra âm không rõ ràng, bị bể tiếng
- Mọi người có thể tham khảo các dòng loa Manson và Swiftlet như SB150B, AX62, AX72
- Và đừng quên dùng dây loa ruột đồng mạ thiếc bên ngoài để dẫn tín hiệu từ amply đến loa
- Thời gian mở loa ru thường là 24/24 hoặc từ 4h sáng – 10h tối để tránh làm phiền hàng sớm.
- Cũng có nhiều trường hợp sử dụng 2 amply ru ngày và ru đêm. Amply ru ngày để âm lượng lớn, amply ru đêm để âm lượng nhỏ. Việc điều khiển 2 amply chạy luân phiên nhờ vào 1 timer đảo, timer sẽ điều khiển sao cho khi amply này bật thì ampply kia tắt và ngược lại.
Giai đoạn 5: Tạo môi trường thuận lợi cho chim phát triển bầy đàn
Để chim gắn bó với nhà yến của mình thì ta cần tạo điều kiện tốt nhất để chim yên tâm ở lại, bắt cặp và sinh sản.
Điều kiện tốt nhất để chim phát triển bao gồm:
1. Nhiệt độ: 28-32 độ: Nhà yến thường sẽ được lắp đặt một hệ thống ống thông gió chạy dọc hai bên tường, giúp nhà thông thoáng mát mẻ, giảm được nhiệt độ so với môi trường bên ngoài. Thường dùng ống nhựa PVC 90mm gắn xuyên qua tường, bên ngoài có lưới che động vật, bên trong đi co 90 độ hướng xuống dưới nhằm hạn chế ánh sáng chiều vào, mục đích là để các loại chim khác không vào làm tổ trong nhà yến, riêng chim yến có thể định vị trong bóng đêm.
2. Độ ẩm 75-85%: Cần bố trí hệ thống máy phun sương để tăng độ ẩm cho nhà chim luôn nằm trong khoản 75-85% tùy theo mùa. Nếu độ ẩm thấp quá chim sẽ khó nhả bọt để làm tổ, tổ chim nhỏ, khô và giòn, dễ vỡ. Độ ẩm thích hợp chim sẽ chăm làm tổ, tổ to, trắng và đẹp. Tuy nhiên khi độ ẩm quá cao sẽ dễ dẫn tới ẩm mốc lam gỗ, gây hỏng hóc và tốn kém. Vì vậy, ta cần kết hợp thiết bị đóng ngắt tự động để khống chế độ ẩm trong khoản 75-85%
3. Tạo vị trí thuận lợi giúp chim làm tổ: chim cũng giống như người, sẽ chọn nơi nào dễ làm tổ nhất, ít tốn công sức nhất, nên ta sẽ bố trí thêm các gờ đưa ra trên thanh gỗ, còn gọi là tổ giả, thường làm bằng mút xốp. Các tổ giả này giúp chim đỡ tốn công sức làm tổ, tuy tổ sẽ rất nhỏ, ít giá trị nhưng là tiền đề ban đầu để tăng bày đàn sau này.
4. Ngăn ngừa thiên địch: Thường xuyên kiểm tra và tiêu diệt các loài gây hại cho chim yến hư thằn lằn, tắc kè, chuột, kiến, gián, rắn, các loại chim săn mồi, dơi .v.v… Nếu chim bị quấy phá thường xuyên bởi thiên địch thì khả năng chim bỏ đi sẽ rất cao.
5. Vệ sinh nhà yến: Khi chim yến đã ở nhiều, lúc này ta nên nghĩ tới việc dọn phân chim yến định kỳ, giúp nhà yến sạch sẽ thông thoáng, giảm khí độc phát sinh khi phân yến bị phân hủy ở số lượng lớn. Điều này sẽ giúp tổ yến trắng và sạch, tạo sự thông thoáng để phát triển bầy đàn.
Trên đây là các giai đoạn cơ bản mà mọi người cần nắm để tăng tỷ lệ thành công cho ngôi nhà yến thân yêu của mình. Vạn Thành shop chúc mọi người thành công